Dark Light

Để bắt đầu học cách sống có trật tự, Như đã trải qua giai đoạn trì hoãn nhiều việc và buông thả thời gian. Là một người không thích sống có kế hoạch, vì sao Như lại bắt đầu học cách tổ chức cuộc sống? Các bạn có thể nghe podcast “Từ hận đời đến nỗ lực sống có trật tự” tại đây.

Mặc dù chỉ mới bắt đầu học cách quản lý ngày giờ gần đây, Như mong những chia sẻ của mình sẽ có ích với các bạn. Vì Như đã đọc, tìm hiểu, và trải nghiệm, Như nghĩ mình có thể hỗ trợ các bạn phần nào. Vậy Như đang cố gắng sống trật tự hơn ra sao?

1. Chia các nhóm việc dựa theo mong muốn nội tại

Chúng ta không thể dùng thời gian biểu của người khác để áp dụng cho cuộc đời mình. Vì vậy, những việc chúng ta làm trong ngày đều phải xuất phát từ mong muốn của bản thân.

Trước khi lên kế hoạch sinh hoạt và làm việc, hãy thử liệt kê những mong muốn của bạn nhé.

Mong muốn của bé Nhiên (hàng xóm của Như).

Mong muốn của Như khi muốn sống có trật tự hơn, đó là:

  • Làm việc hiệu quả để có thu nhập.
  • Có thời gian cho bản thân để được vui khoẻ.
  • Nâng cao tri thức của mình.

Dựa theo mong muốn, Như sẽ chia các công việc thành 3 nhóm:

  • Công việc: chính & phụ.
  • Kiến thức: đọc sách; học ngoại ngữ.
  • Me-Time: tập thể dục, ăn ngon, ngủ đủ và có thời gian Me-time (skincare).

Tiếp theo, Như phân chia những nhóm công việc vào quỹ thời gian hoạt động trong ngày. Quỹ thời gian này được tính từ lúc Như chọn thức dậy & chọn đi ngủ trừ thời gian làm các nhiệm vụ.

Ví dụ: Như chọn thức dậy lúc 5h sáng, kết thúc ngày lúc 23h tối. Quỹ thời gian của Như khá rộng so với những bạn có nhiệm vụ WFH ở công ty, chăm sóc nhà cửa,…

Nhiệm vụ duy nhất của Như là nấu ăn và dọn dẹp. Như chọn xếp phần nhiệm vụ này vào buổi trưa vì thường Như không tỉnh táo để làm việc và học vào khung giờ này.

2. 66 ngày từ thử thành yêu

Trước đây, mặc dù là người đọc sách nhưng Như không đọc mỗi ngày. Như đã đề cập ở bài viết “Từ hận đời đến nỗ lực sống có trật tự”, trước đây, Như chỉ làm điều gì đó khi thích làm hoặc sợ không làm kịp thì mới làm.

Nhưng trong thâm tâm, Như vẫn muốn đọc nhiều hơn và tìm hiểu về chuyên môn, về thế giới xung quanh. Chẳng lẽ khi đã hết đi học rồi thì mình dừng học, có phải không? May mắn là Như đã được biết về nghiên cứu 66 ngày để hình thành thói quen.

Nghiên cứu gốc của nó mang tên: How are habits formed: Modelling habit formation in the real world (Thói quen được hình thành như thế nào: mô hình hoá sự hình thành thói quen trong thế giới thực).

Các bạn cũng có thể xem bài thuyết trình của anh Kang Sung Tae, CEO công ty Gong Sin dưới đây để biết thêm về nghiên cứu này.

Kỳ tích thói quen 66 ngày – anh Kang Sung Tae | CEO Gong Sin

66 ngày chỉ là một cột mốc để chúng ta có thể dồn tâm trí vào những mục tiêu cụ thể. Nó là khoảng thời gian đủ để chúng ta thiết lập thói quen nào đó. Sau khi kết thúc chuỗi 66 ngày cho một việc, chúng ta có thể thử tiếp những việc khác.

Với Như, việc mỗi ngày làm xong việc và đánh dấu thành công vào ngày hôm đó khá vui. Đặc biệt, vào những ngày ở nhà dài hạn như bây giờ, việc tạo một thói quen rất thích hợp để một ngày vừa vui vừa ý nghĩa hơn. Do vậy, Như chọn ra 4 việc mình muốn làm mỗi ngày để thực hiện. Trong đó, ngoài việc đọc, Như cũng muốn tập thể dục, dậy sớm và nâng cao thêm vốn ngoại ngữ. 4 việc này cũng xuất phát từ những mong muốn nội tại Như đã đề cập ở mục 1.

Nếu các bạn muốn thử sức với 66 ngày tạo thói quen, hãy thử bắt đầu mọi thứ một cách nhẹ nhàng rồi dần tăng lên. Vì hiểu rằng bản thân mình rất dễ từ bỏ, Như cũng khởi động ở mức thoải mái nhất.

Ví dụ:

  • Muốn tập thể dục mỗi ngày, hãy bắt đầu bằng những bài tập nhẹ, đơn giản. 
  • Muốn đọc sách mỗi ngày, mình bắt đầu bằng cách đọc trong 30 phút thôi. 
  • Muốn dậy sớm mỗi ngày, hãy thử dậy sớm hơn ngày hôm trước 5 phút rồi tăng dần.

Nhờ đi chậm, Như mới có thể đọc lâu hơn (1 tiếng rưỡi), tập nặng hơn và thức dậy vào thời gian mong muốn (5 giờ sáng).

Đặc biệt, sau mỗi 11 ngày hoàn thành thói quen, Như sẽ tự thưởng một món quà. Như thích những món quà tinh thần: một bữa ăn thịnh soạn, xem một bộ phim hay, hay mua sách online,… Việc không giành nhiều thời gian để giải trí là cơ hội để Như biến nó thành phần thưởng của mình. Xem phim, hay giành một giờ hát karaoke, đối với Như cũng đủ để vui.

Đối với bạn, phần thưởng sẽ là gì? Các bạn hãy thử liệt kê nhé.

3. Hiểu mình để đi dài đi xa

Như chắc là bạn cũng có thể liệt kê những “cái nết” khiến mình dễ bỏ cuộc.

Với Như, đầu tiên là tính dễ chán. Như đã từng nghĩ mình phải tập để “không biết chán” thì mới thành công xây dựng thói quen. Nhưng đó là lí do Như càng dễ nản hơn. Thay vào đó, cách thích hợp hơn là thay đổi kế hoạch theo con người mình.

Vì biết mình dễ chán, Như luôn tìm cách “xào” kế hoạch sau vài cột mốc để có niềm vui mới. không ép mình phải làm một việc theo duy nhất một cách.

Như không thể tập một bài tập thể dục suốt một tuần, mà sẽ xen kẽ các bài tập khác nhau. Ngoài ra, Như cũng thay đổi các kênh hỗ trợ, thay đổi cách tập, miễn sao bảo đảm thời gian mình muốn dành cho nó.

Trong quá trình đọc sách, khi đọc liên tục thể loại non-fiction, Như cũng thấy mình trở nên khô khan hơn. Để có thể tiếp tục thói quen mà vẫn thấy vui, Như sẽ tìm thể loại mới ngay. Tương tự khi Như đọc sách tiếng Anh rồi nhớ sự thân thuộc của tiếng Việt. Và thay vì chỉ đọc sách giấy thì Như đọc e-book, hoặc chuyển sang nghe sách nói,…

Cái nết thứ 2 đó là Như rất dễ quên. Chỉ cần thay đổi môi trường là Như sẽ quên mất thói quen, quên việc cần làm. Vì thế, Như cần phải gợi nhớ và thiết lập môi trường để giữ mình hoạt động.

Ví dụ:

  • Để nghe podcast mỗi ngày, Như sẽ dời app Podcast vào vị trí mình hay thuận tay bấm vào nhất trên điện thoại.
  • Để đọc sách và ghi chép buổi sáng, Như sẽ dọn sẵn bàn để tiện ngồi vào làm việc.

4. Mình tốt hơn ngày hôm qua và tệ hơn ngày mai!

Như có rất nhiều người bạn giỏi giang và biết làm chủ cuộc sống của mình. Sau nhiều lần so sánh mình với họ rồi chạnh lòng, may thay, Như đã hiểu rằng mỗi chúng ta có một “múi giờ” khác nhau.

Quan điểm này Như được học từ chia sẻ của ca sĩ Ailee qua Instagram. Chị đã viết những dòng sau:

New York đi sớm hơn California 3 giờ đồng hồ, nhưng điều đó không làm California đi trễ hơn.
Ai đó tốt nghiệp ở tuổi 22, nhưng mất 5 năm để tìm được một công việc tốt. 
Một người trở thành CEO ở tuổi 25, rồi qua đời khi mới 50. Trong khi, một vài người khác trở thành CEO khi 50 tuổi rồi sống đến 90. 
Ai kia vẫn đang độc thân khi những người khác thì kết hôn. 
Obama nghỉ hưu ở tuổi 55, còn Trump bắt đầu khi ông 70 tuổi. 
Bất kỳ ai trên thế giới đều đang sống theo múi giờ của riêng mình. 
Trong những người xung quanh bạn, có người có vẻ đang đi trước, nhưng cũng có người có vẻ đang đi sau. 
Nhưng tất cả chúng ta đều đang chạy trên đường đua của mình, theo múi giờ của mình. 
Đừng ganh ghét, cũng đừng đố kỵ. 
Họ đang sống bằng múi giờ của mình, và bạn cũng đang sống bằng múi giờ của chính bạn. 
Cuộc sống là chờ đợi thời điểm thích hợp để hành động. 
Bởi vậy, hãy thư giãn đi thôi!

Mỗi khi bắt đầu so sánh mình với bạn bè, Như lại nghĩ đến những dòng này. Thật ra, chúng ta chỉ cần biết rằng việc nỗ lực mỗi ngày vốn đã khiến ta tốt hơn ngày hôm qua. Và vì vậy, ngày mai chúng ta sẽ còn tốt hơn nữa.

Do đó, chúng ta có thể vừa nỗ lực để tốt lên mà vẫn vừa nhân từ với chính mình.

Bài viết cũng đã dài. Những điểm nêu trên Như viết ra bằng trải nghiệm và sự liên tục điều chỉnh của bản thân. Hi vọng có thể hỗ trợ các bạn khi các bạn sẵn sàng.

Cảm ơn các bạn đã theo dõi.

Break in the Clouds!

Như Nguyễn M.

Ngoài ra, các bạn hãy đăng ký nhận email để đón đọc bài viết “Những cái bẫy hiệu suất” sẽ ra mắt vào tuần tới nhé!

Những lưu ý khi chia sẻ:

** Toàn bộ nội dung bài và hình ảnh của blog (trừ nội dung có nguồn trích dẫn) đều thuộc bản quyền của Break in the Clouds. Bạn có thể chia sẻ bài viết lên các trang cá nhân bằng cách:

  1. Copy đường link dẫn đến bài viết
  2. Share trực tiếp từ Facebook fanpage của Break in the Clouds
  3. Nhấn vào icon mạng xã hội bên dưới.

Mọi hình thức đăng tải lại và không trích dẫn nguồn rõ ràng (không để tên blog, người viết, và không kèm link gốc) vì mục đích thương mại là vi phạm bản quyền của Break in the Clouds.

Mọi thông tin trao đổi, cộng tác, xin vui lòng liên hệ: smile@breakintheclouds.net

Xin chân thành cảm ơn!

1 comment

Comments are closed.

Related Posts
Total
0
Share