Dark Light

Lý thuyết “Bánh xe cảm xúc” (Wheel of emotions) được phát triển bởi nhà tâm lý học người Mỹ Robert Plutchik vào năm 1980. Đây có thể được xem là một công cụ giúp chúng ta gọi tên những cảm xúc của mình.

Miêu tả bánh xe

Là một trong những lý thuyết nghiên cứu nổi bật về cảm xúc, “Bánh xe cảm xúc” hiện vẫn được sử dụng trong tham vấn tâm lý chuyên sâu.

Sau nhiều năm nghiên cứu, Plutchik đề xuất cách phân định cảm xúc thành 8 nhóm chính. Trong đó có 4 cặp cảm xúc được xếp đối cực nhau:

  • Niềm ngây ngất (ecstasy) – Nỗi đau khổ (grief)
  • Ngưỡng mộ (admiration) – Kinh tởm (loathing)
  • Phẫn nộ (rage) – Khiếp sợ (terror)
  • Thận trọng (vigilance) – Kinh ngạc (amazement)
Minh hoạ bởi: Mari Kanstad Johnson. Nguồn: Itsnicethat

Theo Plutchik, bốn cặp cảm xúc này là những cảm xúc căn bản nhất của chúng ta. Dựa theo mô hình ông đưa ra, chúng ta có thể “phối” những cảm xúc gần nhau lại để tạo ra một “màu” cảm xúc mới. Ví dụ: kinh ngạc + sợ hãi = kính sợ (awe) hoặc hứng thú + bực bội = hiếu thắng.

Như chỉ mới khám phá ra lý thuyết này gần đây thông qua một bài viết cùng tên ở đây. Như vốn rất quan tâm đến cách sử dụng từ ngữ, đặc biệt là khi miêu tả cảm xúc. Làm sao để thể hiện đúng cảm giác của mình qua ngôn ngữ là điều Như luôn hiếu kỳ!

Chẳng hạn nói đến cảm giác “vui”, các bạn có thể kể đến những tính từ nào để miêu tả nó? Sơ sơ, chúng ta có thể kể đến sự phấn chấn, hân hoan, hứng khởi, sung sướng,… Mỗi tính từ này thể hiện mức độ vui khác nhau và chỉ có chúng ta mới cảm được thang đo cảm xúc của mình thôi!

Cắt lớp bánh xe cảm xúc

banh xe cam xuc

Nhìn vào sơ đồ bánh xe, các bạn sẽ thấy được ba đặc điểm sau:

BA LỚP BÁNH XE

Ở lớp bánh xe trong cùng, nhỏ nhất là tám cảm xúc cơ bản Như đã nêu ở trên. Từ đây, nó “toả” ra một hệ những cảm xúc có cùng tính chất ở lớp thứ hai và ba. Mức độ của cảm xúc sẽ giảm dần từ trong tâm ra lớp vỏ ngoài cùng. Nói ngược lại, càng đi sâu vào trong thì cảm xúc càng mãnh liệt hơn. Ví dụ: từ “bực bội” vào sâu hơn là “giận dữ” và hơn nữa là “phẫn nộ”.

MÀU SẮC

Các bạn có thể thấy màu sắc của từng lớp bánh xe nhạt dần theo mức độ của nó. Cảm xúc sơ cấp nằm ở vòng tròn thứ hai. Có những cảm xúc sẽ mang màu nhạt khi được trộn màu từ hai cảm xúc sơ cấp nằm cạnh nó.

MỐI LIÊN HỆ

Những cảm xúc trái cực được đặt đối diện nhau. Vùng nằm giữa các cảm xúc chính tồn tại loại cảm xúc giao thoa giữa chúng. Ví dụ: hoà trộn cảm giác “thư thái” và “hứng thú” có thể tạo ra sự “lạc quan”. Đó là lí do chúng ta có thể cảm nhận nhiều cung bậc cảm xúc như vậy! Ví như niềm yêu mến, sự ăn năn, cảm giác quy phục, ghê tởm, muốn chối bỏ,… Thật kì diệu, có phải không?

Lăn bánh đi tìm cảm xúc!

Vậy chúng ta có thể vận dụng cái bánh xe này thế nào?

Có thể bạn chưa biết: con người có thể trải nghiệm khoảng 34.000 cảm xúc khác nhau.

Làm sao chúng ta có thể điều hướng dòng nước chảy xiết của cảm xúc, mà không bị cuốn trôi? Câu trả lời nằm ở thuyết “bánh xe cảm xúc”.

Hokuma Karimova, MA

Tuy chúng ta không thể nắm bắt 34.000 loại xúc cảm, nhưng việc xác định những cảm xúc nền tảng là hoàn toàn khả thi. Khi chúng ta căng thẳng và mất đi sự khách quan, “bánh xe cảm xúc” sẽ trở nên hữu ích nhất!

Khi bạn băn khoăn về cảm xúc của mình, hoặc khi rơi vào một nỗi buồn không tên và chỉ biết tả nó là “kì kì”, hãy thử dùng đến công cụ này.

BƯỚC 1: Dò ra-đa.

Nhìn vào biểu đồ và tìm một từ gần với cảm xúc hiện tại của mình nhất. Bạn cũng hoàn toàn có thể chọn nhiều hơn một.

wiki2
Nguồn ảnh: Wikihow
BƯỚC 2: Xác định mức độ của cảm xúc.
wiki1
Nguồn ảnh: Wikihow

Cảm xúc của bạn mãnh liệt đến đâu? Nếu bạn vui thì vui đến độ nào? Là hân hoan, hay hồ hởi, hay sung sướng,… Nếu bạn buồn thì buồn ra sao? Tương tự, bạn giận đến thế nào?

BƯỚC 3: Tạo một danh sách từ vựng cảm xúc cho mình.

Đây là một bước mà Như tự nghĩ ra vì Như tin rằng việc này sẽ giúp các bạn rất nhiều. Xác định đúng mức cảm xúc của mình sẽ giúp chúng ta đối diện với nó tốt hơn. Ví dụ khi phải đi gặp người lạ và bạn có cảm giác “lo lo”. Nỗi lo này có thể mang nhiều màu sắc khác nhau, như bất an, sợ hãi, đề phòng,… Hoặc khi đợi mãi mà bạn mình không trả lời tin nhắn, bạn có thể buồn nhưng biết đâu lại là thất vọng, hay “bị phản bội”,…

Thang đo cảm xúc của mỗi người là khác nhau. Khi đối diện cùng một sự việc, bạn sẽ có mức cảm nhận khác hẳn Như. Việc nắm bắt những chiều kích của cảm xúc dù chỉ một chút thôi, sẽ khiến chúng ta hiểu mình và hiểu người hơn. Nhờ vậy mà chúng ta sẽ cảm thông nhiều hơn.

BƯỚC 4: Ghi nhớ “trong chúng ta không chỉ có nỗi buồn!”

Nếu chẳng may bạn đang mắc kẹt trong mớ bòng bong những cảm xúc tiêu cực, hãy nhớ câu thần chú này nhé!

Nhìn vào “bánh xe cảm xúc” một lần nữa nào! Các bạn có thể thấy thế giới nội tâm của chúng ta đa dạng đến đâu mà đúng không? Do vậy, cuộc sống không thể nào chỉ có nỗi buồn. Đơn giản là vì ta đang nhìn cuộc sống bằng đôi mắt nội tâm buồn bã mà thôi.

Như không muốn nói là các bạn “phải” vui lên, “phải” tích cực” lên. Nỗi buồn là cần thiết để chúng ta trưởng thành và biết thương mình. Nhưng các bạn hãy thử nhìn đến những cảm xúc khác bên cạnh cảm xúc mình đang có nhé!

Cảm xúc biết ơn hiện diện trong bạn khi nào? Hôm nay, điều gì làm bạn tự hào? Niềm vui của ngày là gì?…

Thế giới cảm xúc là nơi chúng ta tha hồ lục lọi và khám phá. Thời tiết ở trong các bạn và Như không chỉ là giông bão. Nếu không là hôm nay, thì là ngày mai, ngày mốt, ngày kia,… một ngày nào đó, vầng dương sẽ lại rạng ngời.

Break in the Clouds!

Như Nguyễn M.

Những nguồn tham khảo:

Karimova, H. (2021, May 25th). “The Emotion Wheel: What It Is and How to Use It.https://positivepsychology.com/emotion-wheel/

Thanh. (15.3.2021). “Xác định cảm xúc hiện tại của bạn bằng ‘bánh xe cảm xúc’ và một số câu hỏi trắc nghiệm đơn giản.http://trainghiemsong.vn/xac-dinh-cam-xuc-hien-tai-cua-ban-bang-banh-xe-cam-xuc-va-mot-so-cau-hoi-trac-nghiem-don-gian

Những lưu ý khi chia sẻ:

** Toàn bộ nội dung bài và hình ảnh của blog (trừ nội dung có nguồn trích dẫn) đều thuộc bản quyền của Break in the Clouds. Bạn có thể chia sẻ bài viết lên các trang cá nhân bằng cách:

  1. Copy đường link dẫn đến bài viết
  2. Share trực tiếp từ Facebook fanpage của Break in the Clouds
  3. Nhấn vào icon mạng xã hội bên dưới.

Mọi hình thức đăng tải lại và không trích dẫn nguồn rõ ràng (không để tên blog, người viết, và không kèm link gốc) vì mục đích thương mại là vi phạm bản quyền của Break in the Clouds.

Mọi thông tin trao đổi, cộng tác, xin vui lòng liên hệ: smile@breakintheclouds.net

Xin chân thành cảm ơn!

Related Posts
Total
0
Share