Dark Light
Minh hoạ bởi: Joe Lennon. Nguồn: Joyreactor

Dây rốn là sợi dây kết nối thai nhi với cơ thể mẹ. Nhờ nó mà chúng ta tiếp nhận được oxy và chất dinh dưỡng khi còn chưa thành hình. Như liên hệ hình ảnh này với sự kết nối giữa một người và hệ tư tưởng nơi họ lớn lên.

Chúng ta đã trải qua quãng thời gian dài tiếp thu thụ động từ môi trường xung quanh. Giống như việc nhận dinh dưỡng từ mẹ qua dây rốn, chúng ta được “mớm” nhiều thông tin, lối tư duy khi còn bé. Những lối suy nghĩ này ăn sâu và chi phối ta một cách tinh vi.

Việc tiếp cận với những góc nhìn khác đã giúp Như nhận biết điều này. Nhờ đó, Như bắt đầu đặt câu hỏi, thử nghĩ và làm khác đi với thói quen của mình. Vậy những tư tưởng gì đã chi phối Như? Và những trải nghiệm mới đã giúp Như giải phóng mình như thế nào?

Các bạn có thể tiếp tục đọc hoặc hãy nghe podcast tại đây!

1 – CẮT DÂY RỐN CAM CHỊU

Người Á Đông chú trọng cách sống ôn hoà, tránh cãi vã, gây gổ. Từ nhỏ đến lớn, Như được người lớn đánh giá là một đứa trầm tính. Về sau, cụm từ này gắn liền và hình thành một lớp nhân cách ở Như. Trong quá trình sống ở nước ngoài, Như mở rộng các mối quan hệ và trải nghiệm nhiều hơn. Có một trải nghiệm đã cho Như cơ hội nhìn vào bên trong và đặt câu hỏi về nét tính cách này ở mình.

Trong một lần đi chơi cùng bạn khi còn ở Ý, Như đã bị một thanh niên dùng lời lẽ xúc phạm, hàm ý phân biệt chủng tộc. Trong lòng dậy sóng, nhưng ngoài mặt thì bình tĩnh, Như quay đi. Nhưng người bạn học người Ý, đã phản ứng vô cùng mãnh liệt. Nó la lên: “Nè, nói gì đó thằng kia!”, kèm theo một câu chửi thề (với cử chỉ tay đặc trưng). Nó kéo Như lại, rồi nói: “Tao tức ghê, thằng đó trốn rồi! Đáng lý phải gây cho ra lẽ!

Bộ mày không nghe nó nói gì hả? Sao im re vậy?

Ừ nhỉ? Sao mình lại im re vậy? Như cũng tự hỏi.

Tại sao mình lại cho qua một sự việc trực tiếp ảnh hưởng đến mình như vậy? Vì sao trong lòng tức tối mà lại cam chịu? Sao lại không “gây cho ra lẽ?”

Không chỉ trong những sự việc như trên, Như cũng đã ngó lơ cảm xúc của mình và im lặng trong nhiều hoàn cảnh khác.

Vì sao lại như vậy? Để tìm câu trả lời, Như đã đào lại những sự kiện của tuổi thơ và nhận ra một vài điều.

Ở Việt Nam, Như đã chứng kiến rất nhiều trẻ hễ quấy khóc thì sẽ bị đánh ngay. Nếu trẻ không bị đánh thì cũng bị la rầy. Như đã từng trải qua điều này. Những cảm xúc “tiêu cực” như hằn học, giận dỗi, buồn bã của chúng ta thường không được bao dung. Người lớn gặp trẻ con ngoan thì khen, thì thương. Nhưng khi một đứa trẻ cư xử “khác người”, trái “đạo”, thì sẽ được chỉnh đốn lại ngay. Quá trình dạy dỗ này đã đóng khung cá tính của chúng ta khi chưa phát triển nhận thức.

Nếu thể hiện cảm xúc thật để rồi bị đánh giá, bị la mắng, vậy thì im lặng sẽ tốt hơn.

Con người cũ của Như

Chính vì suy nghĩ này, Như dần thu mình lại, và không chia sẻ cảm xúc của mình. Khi gặp chuyện ấm ức, hoặc bất bình với gia đình, Như cũng không lên tiếng. Điều này đã hình thành nên thói quen cam chịu, trơ cảm xúc. Điều đáng nói là nó lại được diễn dịch thành hai chữ “trầm tính”, “ôn hoà”. Nghe thì có vẻ đáng khen nhưng thực chất thì không.

Khi nhận thức ra điều đã chi phối mình, Như không muốn phớt lờ cảm xúc của mình nữa. Từ đó, Như tập thẳng thắn nói ra, cố gắng thể hiện cảm xúc của mình.

Thay vì né tránh dùng những từ “tiêu cực” như “ghét”, “khó chịu”, “bực bội”,… Như học cách dùng nó đúng chỗ. Thay vì tránh thể hiện cảm xúc trên mặt, Như để cho mình chau mày, nhăn nhó, tập có phản ứng dữ dội hơn. Và đương nhiên, khi vui, khi hào hứng, Như cũng thể hiện ra ngoài nhiều hơn.

Lập trường của Như ở đây là chúng ta không thể chỉ chấp nhận các cảm xúc “đẹp” mà bỏ qua những cảm xúc “xấu” khác. Vui vẻ sẽ song hành với buồn bã. Hân hoan sẽ đi đôi với phiền muộn. Có lúc hài lòng rồi cũng có lúc không ưa. Tất cả cảm xúc đều nằm trên hai mặt của một đồng xu.

Chúng ta không thể chỉ chấp nhận các cảm xúc “đẹp” mà bỏ qua những cảm xúc “xấu” khác.

Con người hiện tại của Như

Sự thay đổi này ở Như đương nhiên không dễ được đón nhận. Nhất là đối với người thân trong gia đình đã quen với một người ít lên tiếng, ít thể hiện. Nhưng để tìm được điểm cân bằng, Như cho mình thời gian để tìm hai điểm cực ở hai đầu đối lập.

Cho đến nay, càng thử Như càng thấy rằng mình không chỉ có trầm mặc. Có thể tính cách này chỉ là một lớp vỏ được tạo ra bởi môi trường xung quanh. Càng lúc Như càng nhìn nhận ra nhiều khía cạnh sống động, gan dạ ở chính mình.

Trong những bài viết tiếp theo, Như sẽ kể thêm những trải nghiệm đã giúp Như mở khoá những khía cạnh này nhé!

2 – CẮT DÂY RỐN SỢ DỞ, SỢ NỢ

“Sợ nợ” là khi mình nhận của ai đó cái gì thì mình sốt ruột tìm cách trả “nợ” liền. Ví dụ như được bạn mời ăn bữa cơm thì mình nôn nóng hẹn nó một bữa khác để mời lại. Từ nhỏ, Như đã thường được nghe câu “có qua có lại”. Câu nói đầy đủ hơn là “mình phải cho người ta cái gì thì người ta mới tốt với mình.” Thi thoảng, Như lại nghe: “người ta cho mình, mình phải có nhiệm-vụ cho lại.

Mặt khác, các bạn đã trải qua cảm giác sốt ruột, mình-phải-làm-gì-đó khi được mời đến nhà bạn ăn chưa? Cảm giác muốn phụ giúp sẽ không sai nếu ta không như đang ngồi trên đống lửa. Như đã thường xuyên có cảm giác này. Như biết rằng các bà, các dì và mẹ mình cũng như vậy. Mỗi lần có măm cỗ, phụ nữ trong nhà sẽ cùng vào bếp. Nếu ai không biết làm thì sẽ bị cho là không được việc, là dở, là đáng chê trách. Việc phải biết làm bếp, đảm đang đã trở thành thước đo nhân cách của con gái, của phụ nữ. Như đã được dạy việc nhà và làm bếp vì “Không được để người ta nói mình dở!

Vừa sợ bị chê dở, vừa thấy mình có nhiệm vụ phải đáp lễ đã tạo nên sự bất an ở Như. Nhưng nếu cứ nghĩ vậy, Như đã không đón nhận hết tình cảm của bạn bè và gia đình họ giành cho mình.

Khi vừa mới sang Ý, Như tình cờ quen biết một người bạn qua trang web trao đổi ngôn ngữ, Sylvia. Sylvia là người yêu du lịch và vừa có chuyến đi xuyên suốt Việt Nam. Vừa nhìn thấy account của một người Việt, Sylvia liên hệ ngay. Vì vậy, Như may mắn quen một người bạn mới và còn được mời đến nhà ăn món mì Carbonara. Hôm đó, sau khi ăn một bữa rất ngon, vì đã không giúp được việc nấu nướng, Như bắt đầu loay hoay dọn dẹp. Thấy vậy, Sylvia nói ngay: “Như! Ở Ý, đã là khách thì không phải làm cái gì hết!”, “Như để lát mình dọn, bây giờ ngồi nói chuyện có phải vui hơn không?

With Sylvia
Lần đầu tiên được thử món Carbonara truyền thống do chính tay người Ý làm rất khó quên mọi người ạ.
Sylvia Instagram

Không chỉ một lần mà Như không đếm hết số lần được mời sang nhà bạn để ăn cùng gia đình. Từ Việt Nam đến Châu Âu, đi đến đâu thì các bạn và gia đình họ đều xem Như như người trong nhà.

Tiramisu
Một lần khác, Như đã được thử món bánh tiramisu siêu ngon từ mẹ của bạn học.
Nha Ines
Bữa ăn no đủ tại nhà bạn học ở Bồ Đào Nha.
Như tự hỏi nếu đứng ở vai trò của người cho, Như có thể nghĩ như Sylvia không? Nếu vì bản thân luôn trong trạng thái phải-làm-gì-đó, mình có trông đợi người khác cũng như vậy? Nếu không như mong đợi, mình có trách họ không?

Một trải nghiệm khác với người bạn cùng nhà đã giúp Như trả lời câu hỏi này. Các bạn có thể nghe thêm câu chuyện này qua podcast nhé. (từ phút 21:30)

Như nhận thấy không phải ai cho đi cũng cần nhận lại. Nếu Như quá chú trọng vào việc đền đáp có khi lại làm họ phiền lòng. Và có khi dù có tìm cách trả, chắc gì chúng ta đã trả hết tấm lòng của người cho?

Hình bên dưới là chiếc bánh sinh nhật 5 phút của một người bạn, Tony làm cho Như. Sau thời gian giãn cách dài lê thê, Như và Tony mới gặp được nhau. Dù sinh nhật của Như đã qua được 2 tuần, nhưng lúc sực nhớ, nó tức tốc làm ngay chiếc bánh này để ăn mừng muộn. Cách nó loay hoay gom nguyên liệu làm bánh, tìm nến, tìm bật lửa,… để “mở tiệc” vừa buồn cười vừa dễ thương làm Như rất cảm động. Như nói: “Tao không biết làm gì để cảm ơn mày nữa!” Nó mới nói lại: “Mày đâu cần làm gì đâu, mày xứng đáng mà!

Pancake
Chiếc bánh 5 phút vì không đặt bánh kịp.
Chiếc bánh sinh nhật pancake 5 phút, nhưng tìm cái bật lửa mất gấp ba thời gian.

Tony giúp Như hiểu ra rằng những gì người khác làm cho mình là món quà mình xứng đáng được nhận. Chúng ta sẽ luôn có thời điểm thích hợp để đáp lại tấm lòng của họ mà không phải nôn nóng. Hối hả để làm gì, ngồi xuống nói chuyện có phải vui hơn không?

Đến một thời điểm nào đó, dây rốn cũng sẽ được cắt đi, để mỗi chúng ta có thể học lớn lên theo cách của mình. Hãy luôn nhớ rằng các bạn cũng xứng đáng với những món quà của cuộc sống nhé!

Goodby Umbilical Cord.
Nguồn: ABC News

Nếu các bạn cũng trải qua những cảm xúc này thì hãy share bài viếtcomment chia sẻ với Như bên dưới nhe. Cũng đừng quên Subscribe Newsletter để đọc thêm phần 2 sẽ ra mắt sớm thôi.

Break in the Clouds!

Như Nguyễn M.

—-

Những lưu ý khi chia sẻ:

** Toàn bộ nội dung bài và hình ảnh của blog (trừ nội dung có nguồn trích dẫn) đều thuộc bản quyền của Break in the Clouds. Bạn có thể chia sẻ bài viết lên các trang cá nhân bằng cách:

  1. Copy đường link dẫn đến bài viết
  2. Share trực tiếp từ Facebook fanpage của Break in the Clouds
  3. Nhấn vào icon mạng xã hội bên dưới.

Mọi hình thức đăng tải lại và không trích dẫn nguồn rõ ràng (không để tên blog, người viết, và không kèm link gốc) vì mục đích thương mại là vi phạm bản quyền của Break in the Clouds.

Mọi thông tin trao đổi, cộng tác, xin vui lòng liên hệ: smile@breakintheclouds.net

Xin chân thành cảm ơn!

Total
0
Share